BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

  • Triệu chứng bệnh?
  • Chẩn đoán Như thế nào?
  • Cách phòng bệnh?
  • Phương pháp điều trị?
  • Khi nào cần phẫu thuật?

1. Trào ngược dạ dày- thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản(GERD), hay còn gọi là bệnh viêm thực quản trào ngược là tình trạng bệnh lý xảy ra do sự trào ngược dịch axit từ dạ dày lên thực quản gây ra các triệu chứng cho người bệnh, thường gặp nhất là: ợ nóng, ợ trớ, viêm họng kéo dài. Trào ngược có thể là sinh lý nếu sảy ra sau bữa ăn no, không gây triệu chứng và với tần suất thấp(dưới 2 lần/tuần). Tuy nhiên trào ngược sẽ trở thành bệnh lý khi các triệu chứng sảy ra thường xuyên(≥ 2 lần/tuần)hoặc làm tổn thương thực quản.

2. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày- thực quản

  • Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua

Ợ hơi lúc đói thường xuyên là triệu chứng cần nghĩ đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Ợ nóng là cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên ngực dọc phía sau xương ức, đôi khi có thể lan lên đến vùng hạ họng

Ợ chua xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng khi đánh răng. Ợ chua, ợ nóng cũng hay đi kèm với nhau. Bệnh nhân có cảm giác ợ lên, kèm theo vị chua trong miệng.

Các triệu chứng ợ nói trên có thể sẽ tăng lên khi ăn no, khi uống nước, khi đang đầy bụng khó tiêu hoặc khi bạn cúi gập người về phía trước, nằm nghỉ hoặc ngủ vào ban đêm.

  • Buồn nôn, nôn

Triệu chứng này thường xuất hiện khi ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn. Người bệnh dễ bị nôn, buồn nôn hoặc có cảm giác mắc nghẹn thức ăn.

  •  Đau, tức ngực

Người bệnh có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra lưng và cánh tay. Triệu chứng này là nguyên nhân khiến bệnh trào ngược dạ dày - thực quản dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch.

  • Khó nuốt

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi trở nặng khiến axit dạ dày trào ngược lên với tần suất lớn. Điều này sẽ gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản, vì thế bệnh nhân có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ.

  • Khản giọng và ho

Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị khản giọng và ho liên tục. Hiện tượng này là do dây thanh quản khi tiếp xúc với axit dạ dày làm cho sưng tấy. Người bệnh sẽ bị khản giọng, khó nói và lâu ngày chuyển thành ho. Nhiều trường hợp dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm vùng mũi họng.

  • Miệng tiết ra nhiều nước bọt

Đây là phản xạ tự nhiên của miệng gặp acid chua trào lên sau khi ợ chua. Nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường để trung hòa axit.

Đắng miệng

Khi dịch vị trào lên có kèm theo dịch mật khiến người bệnh cảm thấy đắng miệng.

  •  Mòn men răng

Men răng được hình thành từ những tinh thể canxi photphat, rất bền và cứng. Khi có hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản acid sẽ thẩm thấu sâu vào răng, ăn mòn và làm mềm men răng, làm răng bị xỉn màu.

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Có các nguyên nhân từ thực quản, từ dạ dày, ngoài ra còn có một số yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh

  • Nguyên nhân do thực quản
  • Giảm trương lực cơ thắt dưới thực quản dưới:Cơ thắt dưới thực quản là cơ thấp nhất của thực quản nối với dạ dày. Bình thường cơ thắt dưới thực quản chỉ giãn mở ra khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi bị suy cơ thắt dưới thực quản sẽ dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
  • Thoát vị hoành: Cơ hoành là một cơ dẹt hình vòm phân chia khoang ngực và khoang bụng.Trên cơ hoành có khe cho thực quản đi qua(ngang mức cơ thắt thực quản dưới). Khi bị thoát vị hoành, một phần dạ dày trượt qua khe cơ hoành lên tầng ngực. Lúc này cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng mức với cơ hoành nên dễ xảy ra trào ngược
  • Nguyên nhân tại dạ dày
  •  Ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày : Viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị... làm cho các chất trong dạ dày chậm lưu thông xuống ruột từ đó làm tăng áp lực trong dạ dày.
  • Áp lực ổ bụng tăng đột ngột: Khi ho, hắt hơi hoặc gắng sức cũng có thể gây trào ngược dạ dày thực quản
  •  Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Stress làm tăng tiết cortisol: Cortisol làm tăng axit trong dạ dày, làm tăng nguy cơ trào ngược.

Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn quá no, ăn đêm, ăn hoa quả có tính axit ( cam, chanh...) khi đói, ăn đồ ăn nhanh, chiên rán...

Những yếu tố bẩm sinh: Cơ thắt thực quản dưới yếu, bệnh nhân bị sa dạ dày, hay có thoát vị cơ hoành, chấn thương tai nạn...

Béo phì: Cân nặng gây áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới khiến trương lực yếu đi, vì thế axit dạ dày và các chất dễ trào ngược hơn.

4. Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản gây nên những biến chứng gì?

Biến chứng tại thực quản

  • Viêm, loét thực quản: Dịch dạ dày trào lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm. Có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng như: khó nuốt, nuốt đau , đau ngực. Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.
  •  Hẹp thực quản : Xơ hóa thực quản do viêm sẽ làm co rút thực quản, hẹp thực quản gây nên tình trạng khoa nuốt, nuốt nghẹn, nuốt đau
  •  Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản): Đây là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, hình thái do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày. Chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thành Barrett thực quản.
  • Ung thư thực quản: Trào ngược dạ dày dẫn đến Barrett thực quản và gây ra ung thư thực quản là biến chứng hiếm gặp, nhưng rất nghiêm trọng, iên lượng xấu. Bệnh nhân thường có biểu hiện nuốt nghẹn liên tục, gầy sút nhanh chongs, chẩn đoán xác đihnj dựa vào nội soi thực quản và sinh thiết.
  • Biến chứng ngoài thực quản
  • Một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi. Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp...

5. Điều trị trào ngược dạ dày- thực quản

Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản sẽ tùy theo mức độ của bệnh. Phần lớn các trường hợp nhẹ, mới xuất hiện chỉ cần thay đổi lối sống chế độ ăn uống, bệnh cũng có thể được cải thiện (bỏ thuốc lá, bỏ bia rượu, giảm cân, giảm stress...). Một số trường hợp cần kết hợp với điều trị bằng thuốc.Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và liệu trình điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh nếu bệnh kéo dài.

  •  Chế độ thuốc:

Những nhóm thuốc chính bác sĩ thương kê đơn cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là: PPI làm giảm axit trong dạ dày(omeprazol, pantoprazol, Nexium…); thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản(Gaviscon), thuốc làm tăng quá trình làm rỗng dạ dày(Motilium)

  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt:

Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu,vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.

Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa...), nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate...

Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá. Không mặc quần áo quá chật, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.

Ăn chậm, nhai kỹ và nuốt hết phần ăn trong miệng trước khi bắt đầu lấy thêm một phần ăn khác. Chia nhỏ bữa ăn để không ăn quá no, thức ăn trong dạ dày quá đầy sẽ dễ trào lên thực quản

Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.

Tránh, hạn chế Stress trong đời sống

6. Khi nào cần phẫu thuật? phẫu thuật như thế nào?

  •  Ưu tiên đầu tiên trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản là chế độ ăn uống, sinh hoạt.
  • Chỉ định phẫu thuật chỉ được đưa ra trong một số trường hợp sau:

1. Bệnh nhân có thuyên giảm triệu chứng trào ngược khi dùng thuốc, nhưng triệu chứng lại quay trở lại khi kết thúc điều trị

2. Bệnh nhân phụ thuộc thuốc( triệu chứng trào ngược chỉ thuyên giảm khi bệnh nhân dùng thuốc), tuy nhiên không thể điều trị keó dài do: chi phí thuốc cao, phiền toái do điều trị kéo dài, tác dụng phụ của thuốc sau một thời gian điều trị kéo dài, bệnh nhân trẻ…

  • Phẫu thuật điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản
  • Mục tiêu của phẫu thuật nhằm khôi phục lại chức năng của cơ thắt thực quản qua đó hạn chế tình trạng trào ngược dịch axit từ dạ dày lên thực quản
  • Phẫu thuật thường sử dụng là phẫu thuật tạo van chống trào ngược kiểu Nissen hoặc Toupet, hiện nay các phẫu thuật này thường được thực hiện qua mổ nội soi

Nguồn: Bs. Đan - 0984899885

Bạn đang xem: BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo Thuốc Việt Hotline: 0982137818
popup

Số lượng:

Tổng tiền: